Bối cảnh Chiến tranh Việt–Xiêm (1833–1834)

Tượng đài Rạch Gầm-Xoài Mút.

Lịch sử Xiêm vốn có quan hệ mật thiết với Campuchia (Chân Lạp), từ khi Chao Phraya Chakri lên ngôi (1782, sau đó lấy hiệu là Rama I) cho đến lúc Nguyễn Ánh xưng đế lấy hiệu là Gia Long (1802), trong giai đoạn đầu những năm 1800 này, Xiêm gần như độc quyền thao túng, chi phối tình hình chính trị quân sự ở Campuchia, trong khi Việt Nam đang trong tình trạng nội chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn.

Năm 1796, Rama I đưa hoàng tử Ang Chan (sử nhà Nguyễn thường gọi là Nặc Chăn[4]), con trai của vua Ang Eng, lên làm vua Campuchia khi chỉ mới 5 tuổi. Xiêm còn cử viên quan Chân Lạp thân Xiêm tên là Pok làm quan nhiếp chính cho Chân Lạp mà hầu như không gặp cản trở gì. Trước đó vua Ang Eng cũng được nuôi dưỡng tại Băng Cốc từ nhỏ, các con của ông (Ang Chan, Ang Snuong, Ang Em, Ang Duong) cũng được nuôi dưỡng bởi triều đình Băng Cốc. Một trong những chính sách thực hiện từ lâu trong lịch sử quan hệ Xiêm - Chân Lạp là nuôi dưỡng, đào tạo các hoàng tử Khmer thân Xiêm để đưa lên ngôi vua Campuchia khi có điều kiện thuận lợi nhằm gây ảnh hưởng và thao túng vương quốc này.

Kể từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu về sau, các chúa Nguyễn dần lấy hết đất Chiêm Thành, lại lấn sang đất Chân Lạp. Do đó, theo Việt Nam sử lược thì:

Người Xiêm La có ý muốn ngăn trở để giữ lấy Chân Lạp làm của mình. Nhưng vì thế chúa Nguyễn mạnh hơn, cho nên phải chịu để chúa Nguyễn sang bảo hộ Chân Lạp. Tuy vậy nước Xiêm La thường hay dùng những người phản đối với vua Chân Lạp, rồi giúp binh lực cho về làm loạn trong nước.

Nhiều khi quân Việt phải sang đánh đuổi quân Xiêm La để giúp quốc vương Chân Lạp. Cũng có khi quân Xiêm La sang đánh ở đất Hà Tiên, như năm Ất Mùi (1715), Tân Mão (1771)... Lại có khi sang sinh sự với những nước ở Lào. Hễ khi nào Xiêm và Lào đánh nhau, thì nhà vua sai quan quân phòng giữ những chỗ biên thùy, và sang cứu viện những nước bị người Xiêm bắt nạt, như năm Đinh Hợi (1827)...[5]

Do bị kiềm kẹp giữa hai quốc gia hùng mạnh, vua Ang Chan phải thi hành chính sách "chư hầu kép": đồng thời thần phục cả Xiêm lẫn Việt Nam. Năm 1807, Ang Chan quyết định ngã sang hẳn về phía Việt Nam bằng cách xin vua Gia Long cho thụ phong và cống nạp. Điều này được Việt Nam chấp nhận còn Xiêm tỏ ra khiên cưỡng, vì nó khiến cho ảnh hưởng của Xiêm tại Campuchia bị giảm sút nghiêm trọng. Từ thời vua Ang Eng cho đến khi vua Ang Chan lên ngôi, Xiêm đã tốn công nuôi dưỡng và xây dựng hệ thống quan lại Chân Lạp thân Xiêm, nay lại bị Việt Nam ảnh hưởng. Tuy nhiên, vua Rama I và Gia Long vốn có mối thâm tình thuở trước nên cả hai bên đã chấp nhận chia sẻ quyền lực tại Campuchia.

Sau khi vua Rama I mất (1809), vua Rama II lên nối ngôi, đã cho quân Xiêm hỗ trợ các em trai thân Xiêm của Ang Chan trở lại tranh giành ngôi vua Campuchia vào những năm 1812-1813, 1814 nhằm phá bỏ cục diện nói trên để giành lại ảnh hưởng ở Campuchia, nhưng không thành công.

Bên cạnh đó, do còn phải đương đầu với Miến Điện ở phía tây, Xiêm không tập trung sức lực trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với Việt Nam được. Tuy nhiên sau khi Miến Điện thua Anh trong cuộc chiến 1824-1826, Xiêm quay sang bành trướng ở hướng đông.

Từ sau khi các vua Rama I, Rama II và Gia Long mất, quan hệ Xiêm - Việt không còn mối ràng buộc hữu nghị nữa. Các vua nối ngôi ở hai nước là Rama IIIMinh Mạng đã đẩy quan hệ hai nước tới bờ vực chiến tranh.

Vua Xiêm mới là Rama III đã thẳng tay bình định cuộc nổi dậy của Chậu A Nụ (Anouvong, 1827-1829), biến Lào thành một tỉnh của Xiêm (1831). Đồng thời, Xiêm cũng chờ cơ hội thuận tiện để can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Tháng 6 năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi khởi binh chống vua Minh Mạng ở đất Gia Định. Vài tháng sau vì yếu thế, Lê Văn Khôi cho người sang cầu cứu Xiêm La. Không bỏ lỡ cơ hội, vua Rama III liền sai sai tướng (Chiêu) Phi Nhã Chất Tri (còn gọi là tướng Bodin, Chao Phraya Bodindecha) và Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang, Tish Bunnag) dẫn hàng ngàn quân thủy bộ chia ra làm 5 đạo sang đánh Đại Nam.